Cách sử dụng máy mài cầm tay đúng kỹ thuật, an toàn nhất
Việc sử dụng máy mài sai cách có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm tiềm ẩn như: bị giật, bỏng, nhiễm độc, bị mảnh vụn vật liệu văng bắn vào người, gây cháy nổ,... Do vậy, bạn cần phải nắm rõ cách sử dụng máy mài cầm tay đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn lao động. Cùng tham khảo hướng dẫn dưới đây cùng maykhoanbosch.net để biết sử dụng máy mài cầm tay an toàn, hiệu quả nhất nhé!
Nguyên tắc an toàn khi sử dụng máy mài cầm tay
Trước khi đến với hướng dẫn sử dụng máy mài cầm tay nói chung hay hướng dẫn sử dụng máy mài cầm tay Bosch nói riêng, chúng ta sẽ có một số nguyên tắc an toàn khi sử dụng máy mài mà bạn cần biết.
Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ
Nhiều người lao động thường làm việc trực tiếp với máy mà bỏ qua bước trang bị đồ bảo hộ vì cho rằng không cần thiết. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình làm việc, những mảnh vụn vật liệu, mảnh vỡ kim loại, mảnh vỡ đĩa hay bụi bẩn sẽ văng khắp nơi dễ gây tổn thương cho người sử dụng.
Vậy nên để đảm bảo an toàn khi sử dụng máy mài cầm tay thì việc trang bị các trang phục bảo hộ, găng tay hay khẩu trang, kính chắn,... là vô cùng cần thiết. Bạn có thể không cần phải sử dụng tất cả cùng lúc mà tùy theo từng loại công việc mà sử dụng đồ bảo hộ cho phù hợp.
Không gian làm việc
Máy mài là dụng cụ điện cầm tay nên khi sử dụng bạn nên lựa chọn không gian, môi trường thoáng mát, tránh xa những khu vực ẩm ướt, có trũng nước hay nơi có nhiệt độ cao để tránh làm hư hỏng máy hoặc gây ra những tai nạn không đáng có.
Ngoài ra, bạn cũng nên làm việc ở nơi có điều kiện ánh sáng tốt để đảm bảo tính chính xác trong công việc.
Nguyên tắc an toàn khi làm việc
Khi làm việc với máy mài, bạn nên mặc trang phục gọn gàng để tránh vướng mắc vào thiết bị. Trước khi tiến hành thi công, hãy kiểm tra kỹ phích cắm và ổ điện để đảm bảo dây dẫn không bị rò rỉ điện. Hãy chọn loại đĩa mài, đĩa cắt phù hợp nhất để đảm bảo hiệu quả công việc.
Ngoài ra, hãy tránh ngồi đối diện với máy mài để tránh hướng tia lửa bắt trực tiếp vào người. Khi thao tác hãy cắt từ từ và dừng ngay khi phát hiện lưỡi cắt bị tắc nghẽn hay sứt mẻ.
Sau khi công việc kết thúc và tắt máy, không được làm cho dĩa cắt ngừng quay bằng cách tạo lực cạ vào bên hông dĩa bởi sẽ khiến cho đĩa cắt/mài bị vỡ hay tác động ngược lại gây nguy hiểm.
Xem thêm: So sánh máy mài Makita và Bosch. Nên chọn loại nào?
Cách sử dụng máy mài cầm tay đúng kỹ thuật
Hướng dẫn tắt/mở máy mài cầm tay
Trước khi làm việc với máy mài, để đảm bảo an toàn, đầu tiên bạn phải kết nối điện cho máy (nếu là máy mài dùng pin thì lắp pin vào trước), tiếp đến, kiểm tra công tắc trượt có hoạt động tốt hay không. Sau khi đã kiểm tra một lượt, hãy thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Khởi động máy mài bằng cách trượt công tắc máy từ vị trí “O” (OFF – Tắt) sang vị trí “I” (ON – BẬT).
Bước 2: Cần máy vận hành liên tục, bạn ấn vào phần trước của công tắc trượt để khóa lại. Lúc này, máy sẽ chạy tự động ở chế độ rảnh tay
Bước 3: Để dừng máy mài, ấn vào phần sau của công tắc trượt, rồi trượt về vị trí “O” (OFF – Tắt).
Cách sử dụng máy mài cầm tay an toàn
Máy mài có thể sử dụng cho cả yêu cầu mài và cắt:
-
Khi sử dụng để mài, bạn hãy đặt máy nghiêng một góc 30 - 35 độ so với mặt phẳng cần xử lý.
-
Khi sử dụng để cắt, bạn đặt máy vuông góc với mặt phẳng cần cắt rồi kéo theo hướng từ ngoài vào. Lưu ý, không để máy nghiêng vì nếu cắt xiên sẽ dễ làm hư bề mặt vật liệu và khiến đĩa cắt bị trượt gây nguy hiểm cho người dùng.
Và để đảm bảo tối đa an toàn khi sử dụng máy mài cầm tay, các bạn nên sử dụng vành chắn bảo vệ để tránh các mảnh vật liệu bắn ra ngoài.
Thông thường, các sản phẩm chuyên nghiệp đến từ những thương hiệu nổi tiếng như máy mài Bosch, máy mài Makita, Total, Feg,... sẽ đi kèm sẵn vành chắn bảo vệ trong bộ sản phẩm. Khi lắp, bạn hãy hướng vành chắn quay về phía trong phía người dùng.
Các bước tháo lắp đá mài vào trục đúng cách
Bước 1: Lắp đá mài vào trục theo đúng chiều đá và đặt đồng tâm với lỗ đặt đá. Mặt sau của đá mài phải sát với vòng đệm của vai trục. Mặt trước có vòng đệm và phải được siết chặt ốc.
Lưu ý: đá lắp vào phải có cùng kích thước và khớp với trục máy. Khi chênh lệch đường kính giữa 2 đá là trên 40% hoặc chỉ có một đá thì mọi người tuyệt đối không nên sử dụng máy để đảm bảo an toàn.
Bước 2: Dùng chìa khóa chuyên dụng để siết chặt đá vào vai trục, tuyệt đối không được dùng búa để đóng vào đai ốc.
Bước 3: Vận hành thử, nếu thấy đá mài bị rung mạnh, thì phải dừng ngay để kiểm tra vì có thể đá và trục không khớp nhau.
Xem thêm: Hướng dẫn sửa máy mài cầm tay đơn giản, dễ hiểu
Một số lưu ý khi sử dụng máy mài cầm tay
Tips sử dụng máy mài hiệu quả, an toàn
- Tuyệt đối không sử dụng máy mài để thực hiện các công việc không đúng chức năng được thiết kế cho máy vì sẽ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, rất nguy hiểm.
- Sử dụng các phụ kiện chính hãng của nhà sản xuất để đảm bảo thiết bị phát huy được tối đa hiệu quả khi thi công và vận hành an toàn, bền bỉ hơn.
- Không để máy vận hành vượt quá tốc độ cho phép, vì có thể khiến phụ kiện văng ra ngoài dẫn đến hỏng máy, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
- Trước khi sử dụng nên kiểm tra máy xem có dấu hiệu hư hỏng nào không, nếu có thì cần tìm nguyên nhân và cách khắc phục trước.
- Không được để dây điện gần thiết bị đang quay vì có thể làm dây điện bị quấn vào máy rất nguy hiểm.
- Không cho máy hoạt động khi đang cầm bên hông
- Thường xuyên vệ sinh các khe thông gió của thiết bị
- Không vận hành máy mài ở những nơi có các chất dễ cháy nổ vì trong quá trình mài, sự ma sát làm phát ra các tia lửa, nếu tiếp xúc với các chất dễ cháy có thể gây tai nạn.
Nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng máy mài cầm tay sai cách
- Văng bắn: các mảnh vụn vật liệu (phôi, khía cạnh gia công, bavia,...) hay mảnh vỡ dụng cụ (mảnh đá cắt, đá mài,...) có thể bắn vào người khi sử dụng máy mài sai cách
- Điện giật: lớp vỏ máy hoặc dây dẫn bị đứt/hở nhưng không được kiểm tra kỹ trước khi sử dụng gây ra tình trạng hở điện
- Bỏng: mạt kim loại, vật liệu nóng được tạo ra do quá trình ma sát có thể văng vào người gây bỏng
- Nhiễm độc: chất độc công nghiệp xâm nhập vào cơ thể con người qua giai đoạn thao tác, tiếp xúc…
- Bụi công nghiệp: người dùng khi sử dụng máy mài cầm tay không trang bị đồ bảo hộ có thể nhiễm bụi công nghiệp hoặc các tổn thương cơ học làm ảnh hưởng đến sức khỏe
- Cháy nổ: sử dụng máy mài không đúng cách có thể gây ra những hiểm họa nổ hóa học hoặc nổ vật lý.
- Va quệt: các đầu vít trên bàn phay, đầu phân độ và những mấu lồi gây vướng làm chấn thương.
- Bụi kim loại và bụi đá: trong quá trình thi công, bụi kim loại hoặc bụi đá mài bắn ra từ mọi phía có thể bay vào mắt người dùng hay bay ra làm ô nhiễm không khí dễ thâm nhập vào phổi dẫn tới bệnh bụi phổi.
Trên đây là cách sử dụng máy mài cầm tay đúng kỹ thuật, an toàn cho người sử dụng mà các bạn nên biết. Chúc mọi người ứng dụng thành công!
0 Đánh giá sản phẩm này
Gửi đánh giá của bạn